Gửi tiền tiết kiệm thì đơn giản rồi, chỉ cần có tiền trong tài khoản rồi ra ngân hàng mở sổ tiết kiệm thôi.
Nhưng gửi thế nào để tối ưu hoá lợi nhuận cao nhất, an toàn nhất, thuận tiện nhất khi cần gấp có thể rút được mà không mất nhiều lãi, đồng thời gửi tiết kiệm mà quản lý được cách chi tiêu của mình luôn thì vẫn tốt hơn nhỉ?
Mục lục:
- I. Giới thiệu về gửi tiền tiết kiệm
- II. Nên gửi tiết kiệm ngân hàng nào?
- III. Gửi tiết kiệm online có an toàn không?
- IV. Cách gửi tiết kiệm khác
- V. Kết luận
I. Giới thiệu về gửi tiền tiết kiệm
Gửi tiền tiết kiệm là hình thức đầu tư tiền nhàn rỗi rất đơn giản, an toàn, không cần phải nhức đầu như các hình thức đầu tư khác, nên ai cũng có thể và đã từng gửi tiền tiết kiệm. Đổi lại thì lãi suất không cao, nhưng mà trừ đi lạm phát thì cũng dư ra được 1 ít. (rất may là mình ở Việt Nam có lãi suất gửi tiết kiệm cao: 6-8%/1 năm, chứ ở nước ngoài còn chưa đến được 1% nữa).
Dù bạn có đầu tư thêm hình thức gì đi chăng nữa, thì cũng đều phải có khoản gửi tiền tiết kiệm ngân hàng để đa dạng hoá các nguồn tiền đầu tư, khi cần tiền gấp thì tính thanh khoản cao.
Mình có đọc được 1 mẹo của 1 chị trên diễn đàn Web trẻ thơ về cách gửi tiền tiết kiệm hàng tháng khá hay và mình đã áp dụng cho đến thời điểm này.
1. Cách gửi tiền tiết kiệm
Đó là bạn sẽ gửi tiền tiết kiệm hằng tháng.
Mỗi tháng, khi có lương về bạn lập tức chuyển khoản 1 số tiền nhất định vào tài khoản gửi tiết kiệm luôn.
Còn gửi số bao nhiêu thì bạn cần có dữ liệu ghi chép thu chi hằng ngày ít nhất trong vòng 3 tháng gần nhất, để dựa vào đó căn cứ và cho ra con số tiết kiệm phù hợp. Mình đã có bài viết cụ thể về cách ghi chép trong bài App quản lý chi tiêu – Bước tiên quyết trong quản lý tài chính cá nhân.
Về hình thức gửi thì gửi online thao tác sẽ nhanh hơn, dễ quản lý hơn, không mất thời gian ra ngân hàng mỗi tháng, lãi suất cũng cao hơn. Và vì số tiền bạn tiết kiệm được mỗi tháng thông thường là ít, tầm vài triệu nên gửi sổ cũng lắc nhắc nữa.
Ví dụ: như cách gửi trên là 1 năm mình sẽ có 12 sổ tiết kiệm, mỗi sổ đặt tên theo tháng: tháng 1, tháng 2, tháng 3,…
Có thể bạn thấy hơi mất công, như bình thường bạn để gom lại 1 số tiền nhiều rồi đi mở sổ tiết kiệm ngân hàng thì sẽ bị mất lãi trong khoảng thời gian chờ.
2. Ưu điểm của hình thức gửi kiểu này là:
- ✅ Không bị mất lãi trong khoảng thời gian chờ gom số tiền lớn mới đi gửi sổ ngân hàng.
- ✅ Vì bạn gửi 12 tháng quay vòng, năm sau sẽ quay lại bổ sung cho sổ tháng 1, tháng 2 năm trước,…Mỗi sổ cố định 1 kỳ hạn, ví dụ thông thường là 12 tháng. Trong trường hợp cần tiền khẩn cấp, bạn có thể phá sổ của 1 tháng sau hoặc trước đó, chỉ ảnh hưởng lãi suất đến 1 sổ mà không bị mất nhiều lãi khi rút 1 cục tiền lớn. Bạn gửi online thì thao tác rút tiền trước hạn cũng rất dễ.
- ✅ Khi số tiền 1 tháng quay vòng của bạn nhiều, bạn có thể gom các tháng lại, gửi vào các app tài chính, ví điện tử với lãi suất không kỳ hạn lên đến 6%/1 năm để được 1 số tiền lớn và đem đi gửi số tiết kiệm tại ngân hàng. Và vẫn tiếp tục gửi onilne số tiền nhỏ hằng tháng như trên.
II. Nên gửi tiền tiết kiệm ngân hàng nào?
Thông thường thì chúng ta sẽ ưu tiên gửi tiền tiết kiệm các ngân hàng có lãi suất cao hơn và an toàn hơn rồi phải không nào?
1. Ngân hàng an toàn
Hiện nay, theo Quyết định 32/2021/QĐ-TTg Người gửi tiền được bảo hiểm lên đến 125 triệu khi ngân hàng phá sản (thay vì chỉ 75tr như trước kia), bao gồm cả gửi trực tiếp tại quầy giao dịch và gửi tiết kiệm online tại các app của ngân hàng.
3 ngân hàng thương mại có xếp hạng tín nhiệm Moody (1 trong 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín nhất trên thế giới) cao nhất tại Việt Nam (Ba3) là Vietcombank, Vietinbank, BIDV.
Cùng với Agribank thì 4 ngân hàng này là trụ cột của nền kinh tế Việt Nam (Big4). Vì thế, lẽ tất nhiên khi lãi suất huy động vốn hay lãi suất tiền gửi tại 4 ngân hàng này khá thấp.
Ngoài ra còn có 18 ngân hàng của Việt Nam được lọt vào top danh sách 500 ngân hàng mạnh nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương năm 2021, theo đánh giá của tổ chức này: (nguồn từ asianbanker)
Ngân hàng | Xếp hạng ngân hàng mạnh nhất 2021 | Xếp hạng 500 ngân hàng hàng đầu 2021 |
---|---|---|
Vietcombank | 28 | 170 |
Techcombank | 49 | 349 |
VietinBank | 100 | 167 |
ACB | 127 | 345 |
Agribank | 142 | 138 |
MBbank | 162 | 328 |
TPBank | 204 | 465 |
BIDV | 278 | 148 |
HDBank | 278 | 399 |
Ngân hàng | Xếp hạng ngân hàng mạnh nhất 2021 | Xếp hạng 500 ngân hàng hàng đầu 2021 |
---|---|---|
Sacombank | 315 | 331 |
VIBBank | 355 | 439 |
MSB | 355 | 481 |
SHB | 373 | 464 |
LienViet PostBank | 373 | 440 |
VPBank | 381 | 358 |
SeABank | 420 | 480 |
Eximbank | 434 | 497 |
SCB | 466 | 284 |
Hoặc bạn có thể tham khảo bảng xếp hạng 500 Thương hiệu ngân hàng giá trị lớn nhất toàn cầu (Brand Finance Banking 500) năm 2022:
2. Ngân hàng lãi suất cao
Theo Luật các Tổ chức tín dụng kể từ thời điểm 15/1/2018, các ngân hàng, nếu làm ăn không hiệu quả sẽ được phép cho phá sản.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, cho đến thời điểm hiện tại, ngân hàng nhà nước khá duy ý chí, chưa có ngân hàng nào phá sản theo quy luật kinh tế thị trường. Chỉ có hình thức ngân hàng nhà nước cứu các ngân hàng này dưới dạng mua lại với giá 0 đồng. Cho đến nay thì có 3 ngân hàng được mua lại với giá 0 đồng: ngân hàng xây dựng (VNCP), ngân hàng Đại Dương (OceanBank), ngân hàng Dầu khí toàn cầu (GP.Bank).
Vì nếu để 1 ngân hàng phá sản thì sẽ để lại hệ luỵ rất lớn cho nên kinh tế, xã hội, người dân sẽ có hiệu ứng domino rút tiền hàng loạt, lúc đó ngân hàng lấy tiền đâu ra để trả khi đang dùng tiền gửi tiết kiệm của dân cho các doanh nghiệp vay, nên ngân hàng nhà nước đã dùng hình thức lấy tiền toàn dân để cứu 1 ngân hàng, đảm bảo bình ổn nền kinh tế.
Vì thế, việc cho phá sản các ngân hàng thương mại yếu kém là điều chưa có tiền lệ ở Viêt Nam. Các bạn có thể khá an tâm khi lựa chọn ngân hàng gửi lãi suất cao (ví dụ ngân hàng SCB, Saigonbank, PVcombank, Baovietbank,LienViet PostBank,…)
Cần lưu ý thêm, không có tiền lệ chứ tương lai thì chưa chắc là không có, nên để đảm bảo an toàn, bạn có thể gửi nhiều ngân hàng trong khoản được bảo hiểm 125tr, chọn các ngân hàng an toàn như mục 1 ở trên.
III. Gửi tiền tiết kiệm online có an toàn không?
Gửi tiết kiệm online sẽ có tính bảo mật và an toàn cao hơn so với hình thức gửi tiết kiệm truyền thống vì không có sự can thiệp của bất kỳ ai khác trừ bạn. Và tiền gửi online vẫn được bảo hiểm tiền gửi 125tr tại các ngân hàng.
Đổi lại thì khi gửi tiền tiết kiệm online sẽ không có sổ tiết kiệm vật lý mà “bằng chứng” cho món gửi tiết kiệm của bạn đã được lưu trữ trên hệ thống. Đa phần các ngân hàng đều gửi một hợp đồng gửi tiết kiệm đến email cá nhân của bạn. Trong hợp đồng sẽ bao gồm thông tin cá nhân, số tiền gửi, lãi suất, điều khoản thực hiện,… tương tự như sổ tiết kiệm truyền thống.
Mọi người thường chọn gửi tiết kiệm online vì nó nhanh chóng và thuận tiện – không phải xếp hàng chờ đợi tại quầy giao dịch, phải di chuyển, dắt xe, gửi xe. Việc gửi tiết kiệm nào cũng có ưu điểm, và rủi ro của riêng nó. Điều quan trọng là bạn cần nhận biết và hạn chế các rủi ro này:
- Đảm bảo rằng mạng bạn đang sử dụng để kết nối với internet là an toàn. Nên tránh các mạng Wi-Fi công cộng. Một cách để đảm bảo kết nối của bạn được an toàn là sử dụng VPN.
- Điều quan trọng nữa là tạo mật khẩu độc đáo và không dễ đoán. Làm như vậy sẽ khiến tin tặc khó xâm nhập vào tài khoản và thực hiện hành vi đánh cắp danh tính.
- Nhập trang web của ngân hàng vào trình duyệt và không sử dụng liên kết được gửi qua email hoặc nhận được qua tin nhắn văn bản, cách này có thể giúp bạn tránh bị lừa đảo.
- Đảm bảo rằng trang web của ngân hàng đang sử dụng địa chỉ web https trước khi đăng nhập.
- Thay đổi mật khẩu của bạn thường xuyên và không sử dụng nó ở bất kỳ nơi nào khác.
- Sử dụng xác thực đa yếu tố. Quy trình hai bước có vẻ giống như công việc bổ sung, nhưng nó bổ sung thêm một lớp bảo mật khác, thường ở dạng nhận mã qua văn bản.
- Bạn luôn cần thận trọng khi bảo vệ thông tin cá nhân của mình. Cân nhắc tải xuống phần mềm chống vi-rút hoặc chống trộm danh tính và đảm bảo giữ thông tin chi tiết tài khoản của bạn – đặc biệt là mật khẩu – ở chế độ riêng tư.
* Ưu điểm của việc gửi tiết kiệm online:
- ✅ Tất cả các thao tác cơ bản có thể được thực hiện trực tuyến, giúp tiết kiệm thời gian, công sức khi phải ra quầy giao dịch ngân hàng chờ xếp hàng, làm thủ tục.
- ✅ Mở sổ bất cứ thời gian nào mà không phải trong giờ hành chính, ngày lễ, ngày nghỉ, buổi tối,…
- ✅ Lãi suất tiền gửi cao hơn gửi trực tiếp.
- ✅ Dễ dàng rút tiền trước kỳ hạn, đáo hạn.
1 lần nữa, nếu bạn muốn tránh rủi ro và tăng tính an toàn, bạn cũng có thể đa dạng hóa khoản tiền gửi của mình tại nhiều ngân hàng.
Bạn có thể tham khảo gửi tiết kiệm qua app đầu tư tài chính: tikop, findhay, qua ví điện tử: momo (7,1%/1 năm NH Bản Việt), viettel money (7,3%/ 1 năm NH Bảo Việt), ngân hàng số: timo (7,3%/ 1 năm)…Lãi suất cũng cao hơn lãi suất gửi tiết kiệm tại các ngân hàng thông thường nhé!
IV. Cách gửi tiết kiệm khác
Ngoài ra còn 1 cách quản lý tiết kiệm, hiệu quả hơn cho những bạn không muốn gửi tiết kiệm nhiều nơi, mà vẫn quản lý được tình hình tài chính của mình là mở tài khoản làm 3 ngân hàng: 1 tài khoản nhận lương, 1 tài khoản tiết kiệm và 1 tài khoản để chi tiêu khẩn cấp.
Lý do của việc chia làm 3 này là để vai trò của mỗi tài khoản có thể được phân chia rõ ràng hơn, cũng như bạn không thể động vào tài khoản gửi tiết kiệm, giúp bạn sẽ có thói quen tiết kiệm tiền một cách tự nhiên. Sau đó, chỉ cần sống theo quy tắc, số tiền tiết kiệm của bạn sẽ tự nhiên tăng lên.
1. 1 vài nguyên tắc của việc mở 3 tài khoản
a. Không động vào tài khoản tiết kiệm
Tài khoản tiết kiệm nên được giữ nguyên và không rút ra để tiêu xài vào việc khác. Đây là tài khoản chuẩn bị tiền cần thiết cho các khoản mua sắm lớn như nhà riêng và xe hơi, chi phí học hành của con cái và quỹ hưu trí hay mục đích tự do tài chính.
Tài khoản tiết kiệm về cơ bản được chuẩn bị cho tương lai, vì vậy việc rút tiền là nghiêm cấm hạn chế. Nếu có thể, bạn hãy cố gắng gửi ít nhất 10% lương của bạn vào tài khoản tiết kiệm mỗi tháng, và bạn sẽ dần dần tiết kiệm được nhiều tiền hơn.
b. Sử dụng tài khoản lương của bạn làm ngân hàng chính của bạn
Tài khoản tiền lương được sử dụng như là ngân hàng chính trong các chi tiêu của bạn. Bạn sẽ sử dụng tài khoản lương thường xuyên chẳng hạn như thanh toán mua sắm online, rút tiền sinh hoạt, tiền điện nước và hóa đơn thẻ tín dụng,…
c. Tài khoản khẩn cấp để chuẩn bị cho các chi tiêu đột xuất
Tài khoản khẩn cấp là tài khoản dành cho các khoản chi tiêu bất ngờ: xử lý các sự kiện đột ngột như đám cưới và đám tang, và các khoản không có kế hoạch như thay thế các thiết bị gia dụng bị hỏng. Nếu bạn rút những khoản chi tiêu này từ tài khoản tiết kiệm của mình, bạn sẽ không bao giờ tiết kiệm được tiền.
Bằng cách tạo một tài khoản chi tiêu khẩn cấp, bạn có thể giữ nguyên tài khoản tiết kiệm của mình. Luôn giữ một số tiền nhất định trong tài khoản khẩn cấp. Khi bạn đã chi tiêu tài khoản khẩn cấp trong tháng này thì hãy luôn bổ sung vào tháng sau. Nếu trong tháng bạn không chi tiêu đến tài khoản khẩn cấp thì cứ để đó để dành cho tháng sau, bạn sẽ tiết kiệm được thêm tiền này cho tài khoản tiết kiệm.
2. Cách chọn tài khoản
a. Tài khoản tiết kiệm: tương thích với tài khoản lương, tuân thủ lãi suất
Bạn có thể chọn ngân hàng nhận tài khoản lương đồng thời là tài khoản tiết kiệm.
Nếu bạn chọn cách này thì chỉ phải mở 2 thẻ, nhờ vào sử dụng tính năng trích tiền tiết kiệm tự động.
Với tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn tự động, một khoản tiền cố định do bạn quyết định sẽ được tự động chuyển từ tài khoản tiền lương của bạn sang tài khoản tiền gửi có kỳ hạn hàng tháng, do đó bạn có thể tiết kiệm một cách ổn định. Bằng cách tự động hóa dòng tiền, ngay cả những người không giỏi tiết kiệm cũng có thể dễ dàng tiết kiệm được tiền.
Gửi tiết kiệm online là một lựa chọn thuận tiện nhất vì lãi suất cao hơn tại quầy, mỗi tháng số tiền ít, không phải tốn thời gian ra ngân hàng gửi tiền.
b. Cách chọn tài khoản trả lương: Tập trung vào sự thuận tiện và đặc quyền
Tài khoản lương sẽ là ngân hàng chính của bạn, vì vậy hãy chú ý đến sự thuận tiện và lợi ích khi lựa chọn. Tất nhiên, công ty của bạn đa phần đã chỉ định một ngân hàng làm tài khoản lương, nhưng nếu bạn có quyền tự do lựa chọn, hãy lựa chọn cẩn thận. Vì tài khoản này sử dụng thường xuyên, nên nhấn mạnh sự tiện lợi, không có phí rút tiền ATM, phí chuyển khoản liên ngân hàng như Timo chẳng hạn.
c. Cách chọn tài khoản chi tiêu khẩn cấp
Có thể đa dạng không phải mở tài khoản ngân hàng mới mà dùng ví điện tử: momo, zalopay hoặc các app đầu tư cho gửi tiết kiệm không kỳ hạn lãi suất lên đến 5-6%/1 năm (thay vì để trong tài khoản ngân hàng là chưa đến 1%).
Bằng cách a đề cập ở trên và cách c, bạn cũng có thể không phải mở nhiều tài khoản ngân hàng, chỉ cần 1 ngân hàng trả lương là đủ. Cách này phù hợp cho những bạn không thích mở nhiều ngân hàng khó nhớ và rắc rối.
Còn nếu được, bạn vẫn nên mở 3 tài khoản cho tách biệt hơn.
V. Kết luận về mở sổ tiết kiệm
Trên đây là toàn bộ thông tin về cách gửi tiền tiết kiệm và quản lý 1 cách hiệu quả nhất. Bạn có thể lựa chọn, tham khảo, áp dụng cho bản thân nhé!