Home » Cách sử dụng thẻ tín dụng – có phải dùng thì phá, không dùng thì tiếc?

Cách sử dụng thẻ tín dụng – có phải dùng thì phá, không dùng thì tiếc?

Bởi Loanthanh

Các bạn vào đọc bài viết cách sử dụng thẻ tín dụng thì chắc cũng đang phân vân không biết có nên làm thẻ tín dụng không nhỉ?

Tính mình thì ham cái mới, cũng muốn biết dùng thử xem nó ra ngô ra khoai thế nào, để mốt còn khoe với bạn bè là tao có thẻ tín dụng này, đi mua sắm, ăn uống chỉ việc cà thẻ cũng oách.

Cũng may là, chưa bị thẻ tín dụng “thịt” bao giờ. Nhờ thế, hôm nay mình mới có thể ngồi đây mà vừa học hỏi, vừa chia sẻ về chiếc thẻ “sướng trước, khổ sau” này.

Mục lục:

I. Thẻ tín dụng là gì?

Thẻ tín dụng thực chất là hình thức cho vay với lãi suất cắt cổ. Các ngân hàng cho bạn vay tiền và họ lấy lại tất cả hoặc hơn thế nữa bằng cách tính lãi – một khoản phí khi vay tiền – và cùng với các khoản chi phí khác.

Mục đích của thẻ là để kích thích bạn tiêu dùng, quẹt thẻ thanh toán càng nhiều càng tốt. Và trong quá trình thanh toán ấy, nếu bạn quên hoặc mua nhiều, kiểu gì cũng có lợi cho bên phát hành thẻ.

Vậy thì dẹp đi, tại sao người ta lại dùng thẻ tín dụng làm gì?

Hãy khoan đã, vì còn có những lợi ích tuyệt vời của nó.

💡 Nếu bạn biết tận dụng và sử dụng 1 cách thông minh, bạn sẽ được vay số tiền lớn trong thời hạn gần 2 tháng (45-60 ngày tuỳ ngân hàng) mà không phải trả lãi. Thay vì phải trả 1 lần khi không có thẻ tín dụng, bạn có thể trả dần trong 2 tháng với cùng 1 số tiền không đổi.

💡 Bạn sẽ được hưởng khuyến mãi, giảm giá khi mua hàng, được tặng voucher, tích điểm thưởng, ưu đãi về khách sạn, phòng chờ máy bay, hoặc khi đi du lịch nước ngoài,… (ưu đãi của thẻ tín dụng là thường xuyên và cao hơn các hình thức khuyến mãi khác).

💡 Trong trường hợp cần tiền khẩn cấp hoặc số tiền lớn mà không thể huy động tiền mặt ngay được, thẻ tín dụng thực sự là 1 cứu cánh nhanh gọn cho bạn.

Mình có 1 bà chị ở 1 mình, nửa đêm phải đi cấp cứu, chị ấy nói rằng may mà có thẻ tín dụng thanh toán tiền để phẫu thuật ngay và luôn chứ đêm hôm, thân gái 1 mình đau bệnh, không cầm tiền mặt, làm sao gọi bạn bè đến ngay được (có khi nó đang ngủ không nghe máy ấy chứ) và làm sao xoay xở vay tiền gấp được.

Vì đời luôn có những tình huống bất ngờ không lường trước xảy ra, có thẻ tín dụng bên người sẽ tạo cảm giác an toàn hơn cho bạn.

cách sử dụng thẻ tín dụng

💡 Việc bạn thanh toán đúng hạn, trả nợ thẻ tín dụng sẽ ảnh hưởng đến điểm tín dụng của bạn. Theo đó, thẻ tín dụng là bước khởi đầu khôn ngoan cho bạn xây dựng lịch sử tín dụng lành mạnh để có thể vay những khoản vay lớn hơn khi có nhu cầu. (Theo Ths Phạm Thế Thành – ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội).

💡 Ngoài ra, nếu bạn có thẻ tín dụng, bạn có thể được vay tiền đến 80-90% hạn mức của thẻ với mức lãi suất cao hơn lãi suất ngân hàng và thấp hơn lãi suất vay tiêu dùng nữa đó.

💡 Thẻ tín dụng đặc biệt cần thiết nếu bạn đi du lịch nước ngoài nhất các nước phát triển sử dụng rất phổ biến. Hay việc mua hàng quốc tế, nhiều website chỉ chấp nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng.

💡 Thẻ tín dụng còn là 1 công cụ cho xu hướng tiêu dùng không tiền mặt, thanh toán online trong ngoài nước rất tiện lợi.

✳️ Nói tóm lại, để được hưởng các lợi ích trên mà không hoặc hạn chế chịu ro nợ do thẻ gây ra, bạn phải sử dụng thẻ 1 cách thông minh. Tiếp sau đây mình sẽ hướng dẫn sử dụng thẻ tín dụng dựa trên kinh nghiệm cá nhân mà mình học được qua sách, internet.

II. Cách sử dụng thẻ tín dụng và các nguyên tắc cần biết

1 vài nguyên tắc dùng thẻ tín dụng của mình:

  • Hãy đảm bảo chắc chắn rằng bạn phải trả nợ thẻ đúng hạn. Trả sau hạn dù chỉ 1 ngày bạn cũng bị tính phí trả chậm với lãi cao hơn rồi. Có nhiều trường hợp là quên, thông thường ngân hàng sẽ thông báo hạn cho bạn qua email và tin nhắn SMS khi đến kỳ báo cáo. Hiện này các ngân hàng đều có tính năng thanh toán tự động khi đến hạn và đây là một cách thông minh để tránh bị thanh toán chậm trễ.
  • Không rút tiền mặt từ ATM cho thẻ tín dụng (trừ trường hợp thật cần thiết), vì lãi suất rút tiền mặt từ 1%-4%/ 1 tháng.
  • Tìm ngay trợ giúp từ người thân, bạn bè nếu bạn không thể trả nợ thẻ tín dụng, vì lãi suất thẻ cao và lãi chồng lãi nữa. Hãy nhớ là luôn ưu tiên thanh toán nợ tín dụng trước.
  • Giới hạn số lượng thẻ tín dụng bạn có, đừng ham hố đăng ký và dùng quá nhiều thẻ, nhiều thẻ hơn có nghĩa là có nhiều cơ hội mắc nợ hơn.
  • Chỉ sử dụng thẻ tín dụng để thanh toán mua hàng nếu bạn chắc chắn có thể trả được nợ vào tháng sau, chứ không phải vì ham thích nhất thời.
  • Chỉ sử dụng thẻ tín dụng khi thật cần hoặc khi có chương trình khuyến mãi. Còn đâu luôn ưu tiên sử dụng thẻ ghi nợ (hoặc tiền mặt) là tốt nhất. Bằng cách đó, bạn sẽ hạn chế chi tiêu nhiều hơn số tiền bạn thực sự có.
  • Nên sử dụng thẻ cho các chi phí cố định: học phí, điện nước, BH nhân thọ,…Các khoảng chi phí này thông thường cũng cao để tích điểm và bạn cũng nắm rõ là tiêu bao nhiêu hàng tháng.

✳️ Như trường hợp của mình, vì dùng thẻ không tốn phí và cũng không có chương trình tích điểm thưởng, nên mình chỉ dùng thẻ tín dụng thanh toán trong 2 TH:

  1. Khi có nhu cầu mua hàng đồng thời có cả chương trình khuyến mãi (thường CT khuyến mãi kéo dài 2-3 tháng đến nửa năm lận).
  2. Khi không có đủ tiền trong tài khoản và món đồ mua là thực sự cần thiết (ví dụ như tiền mình để gửi tiết kiệm hoặc các hình thức đầu tư khác rồi mà rút ra thì mất lãi), lúc này thanh toán bằng thẻ tín dụng cực kỳ tiện.

Ngoài 2 TH này, tất cả mình đều thanh toán bằng thẻ debit, ví điện tử (cũng có nhiều mã giảm giá) hoặc tiền mặt hết.

III. Cách xác định sử dụng thẻ tín dụng nào?

1. Xác định chi tiêu của bạn

Bước đầu tiên là phân tích các khoản mục chi tiêu hàng tháng và chọn một thẻ phù hợp nhất với phong cách chi tiêu của bạn. Đây cũng là 1 trong những lý do quan trọng mà bạn phải ghi lại số tiền bạn tiêu hằng ngày, hằng tháng để cân đối lại cách quản lý tiền sao cho phù hợp. Hãy xem gợi ý các câu hỏi dưới đây:

  1. Chi phí tiêu dùng hàng tháng thường xuyên của bạn là gì? Mua sắm trực tuyến, đặt chỗ, đặt đồ ăn, siêu thị, đồ điện tử,…
  2. Bạn có lòng trung thành với 1 thương hiệu nào không? Ví dụ như Gucci, Apple, Uniqlo,…
  3. Bạn hay tiêu dùng online hay trực tiếp tại cửa hàng, hoặc cả 2?
  4. Bạn có tham gia bảo hiểm nhân thọ, hay phải thanh toán học phí cho con không?
  5. Bạn có tốn nhiều chi phí đi lại hàng ngày không? Grap, xăng, xe bus,…
  6. Bạn có thường xuyên đi máy bay không?
  7. Bạn có cần quyền lợi khi đặt phòng khách sạn?
  8. Bạn có hay sử dụng thẻ ở nước ngoài không?
  9. Bạn có muốn trả phí hàng năm cho các quyền lợi cao cấp không?

2. Kết hợp chi tiêu với loại thẻ phù hợp

Từ việc trả lời các câu hỏi trên bạn hãy xác định 3 loại chi phí hàng tháng phải trả và tốn nhiều tiền nhất của bạn. Sau đó, lựa chọn thẻ tín dụng phù hợp với 3 loại chi phí này để tìm được thẻ mang về lợi ích cho mình nhất.

✅ Ví dụ bạn có thể chọn làm thẻ đồng thương hiệu của nhãn hàng đó, thông thường các nhãn hàng đều liên kết với thẻ tín dụng, bạn đăng ký dùng thẻ tín dụng đồng thương hiệu để đạt được lợi ích cao nhất.

✅ Nếu bạn hay đi siêu thị Coop bạn có thể đăng ký thẻ đồng thương hiệu của Vietinbank, Vietcombank, BIDV. Nếu hay di chuyển bằng máy bay hãy tìm loại thẻ tín dụng đồng thương hiệu ưu tiên cho việc tích luỹ dặm bay.

✅ Bạn thích và hay đi ăn ăn đồ Nhật thì với thẻ tín dụng JCB, sẽ được giảm giá trực tiếp trên hoá đơn ở rất nhiều các nhà hàng Nhật Bản tại VN.

3. Đánh giá khả năng chi trả

Phí thường niên: Ngoài thẻ không tính phí, tất cả các thẻ tín dụng đều có phí thường niên. Bạn có thể tìm thấy một thẻ cao cấp hấp dẫn với phí gia nhập bằng 0, có khả năng là sẽ có phí thường niên vào năm thứ hai trở đi. Hoặc nhiều thẻ có thể được miễn phí khi đạt được các mốc chi tối thiểu được định sẵn.

Thẻ miễn phí phí thì thông thường các chương trình khuyến mãi, giảm giá, tích điểm ít hơn so với thẻ tốn phí. Bạn cần cân nhắc nếu dùng thẻ tốn phí thì được lợi ở dịch vụ nào, làm sao để tối đa hoá lợi ích của thẻ, 1 năm bạn có tiêu dùng hơn mức chi tiêu tối thiểu để được miễn phí thường niên hay không?

✅ Như thẻ tín dụng VPbank lady có rất nhiều ưu đãi cho phụ nữ: chi tiêu trong lĩnh vực bảo hiểm, giáo dục, y tế, chăm sóc sắc đẹp, siêu thị đều được hoàn tiền với lãi suất hấp dẫn từ 2,5%-7,5%. Thẻ sẽ được miễn phí thường niên (499k) nếu chi tiêu trong 1 năm >100tr.

✅ Nếu bạn chi tiêu ít thì có thể dùng thẻ tín dụng không tốn phí. Hiện mình đang dùng thẻ tín dụng OCB Mastercard và thẻ phụ JCB không hề có phí nào. Thẻ vẫn thường xuyên được nhận ưu đãi mua hàng online trên các sàn thương mại, được giảm từ 30k,50k,100k,500k,…tuỳ chương trình.

✅ Thẻ tín dụng Timo Visa cũng được miễn phí thường niên trọn đời.

4. Hạn mức thẻ tín dụng

Hạn mức của thẻ tín dụng nên trong tầm kiểm soát trả nợ của bạn. Nếu bạn chưa kiểm soát tốt được bản thân trong việc chi tiêu, mua sắm thì không nên yêu cầu đơn vị phát hành thẻ cấp hạn mức cao làm gì.

5. Thủ tục làm thẻ

Thông thường để làm thẻ tín dụng cần chứng minh thu nhập bằng hợp đồng lao động, cũng hơi lằng nhằng, mất thời gian. Nên bạn có thể cân nhắc dùng thẻ liên kết của chính công ty trả lương, nhiều khi họ tự gọi tư vấn mình mở thẻ mà không cần phải làm thủ tục chuẩn bị giấy tờ gì, rất khoẻ.

Mình cũng làm thẻ theo hình thức này nè.

Hoặc từ thẻ nội địa bạn dùng có gửi tài khoản tiết kiệm, nhiều ngân hàng có hình thức đăng ký thẻ tín dụng dựa vào tài khoản tiết kiệm thì chỉ cần CMND cũng đỡ hơn.

6. Thẻ sử dụng an toàn

✅ Bạn nên ưu tiên sử dụng thẻ của ngân hàng có tính năng Smart OTP sẽ an toàn hơn thay cho hình thức xác nhận SMS thông thường. Để tránh trường hợp bị mất điện thoại, chia sẻ mã OTP hay điện thoại bị cài ứng dụng lấy cắp mã OTP.

Smart OTP gửi mã thông qua 1 ứng dụng của ngân hàng, mã sẽ tự sinh ra từ app và bạn cần phải bảo mật qua ứng dụng chuyển tiền + bảo mật chính app Smart OTP nên có mất điện thoại cũng không lo bị lộ OTP nữa. Khi ở nước ngoài thì do mạng nên tin nhắn xác nhận OTP cũng không phải đến ngay được. Lúc này dùng Smart OTP chỉ cần wifi thì vô tư.

✅ Ngân hàng có tính năng mở/ tắt thanh toán online ngay trên app. Bình thường không dùng bạn cứ tắt đi, đến khi cần thanh toán online mới mở lên. Hơi rườm rà 1 chút nhưng như vậy thì hạn chế rất nhiểu rủi ro mất tiền khi thanh toán online đó. Theo mình biết thì có ngân hàng BIDV, Techcombank có tính năng này, còn ngân hàng nào nữa thì bạn tự tìm hiểu nha.

✅ Thẻ có tính năng thanh toán 1 chạm khi cà thẻ qua máy POS giúp nâng cao tính an toàn, bảo mật hơn so với thẻ thông thường.

IV. Những lưu ý về cách dùng thẻ tín dụng

Các rủi ro khi sử dụng thẻ tín dụng (nguồn hướng dẫn tham khảo từ JCB)

1. Bị mất thẻ hoặc bị ăn cắp

cách sử dụng thẻ tín dụng
Cách sử dụng thẻ tín dụng

❌ Vì thẻ tín dụng quốc tế khi cà thẻ tại máy POS không cần nhập mật khẩu, chỉ cần quẹt thẻ là thanh toán được nên sẽ chịu rủi ro bị kẻ gian sử dụng thẻ trái phép.

👉 Giải pháp: 1. Ngay khi bị mất thẻ bạn hãy lên app hoặc gọi điện tổng đài để khóa thẻ lại.

2. Một số công ty thẻ tín dụng cung cấp bồi thường cho việc bị sử dụng trái phép thẻ, nhưng thẻ không có chữ ký ở mặt sau có thể không đủ điều kiện để được bồi thường. Đừng quên ký chữ ký của bạn để đảm bảo rằng bạn nhận được bồi thường nhé!

2. Bị làm giả thẻ

❌ Làm giả thẻ là tạo thẻ nhân bản dựa trên thông tin bị đánh cắp và sử dụng chúng một cách gian lận:

  • Bằng cách gắn máy quét ở khe cắm thẻ ATM. Đọc lướt thông tin của thẻ mà người đó không biết, mặc dù bản thân thẻ không bị mất.
  • Bị kẻ lừa đảo sử dụng máy quét quét thông tin thẻ ngay cả khi nó còn ở trong ví của bạn.

👉 Giải pháp: 1. Khi sử dụng máy ATM, hãy kiểm tra xem có bất kỳ thiết bị đáng ngờ nào được gắn vào máy ATM không? Có bất kỳ vết dính bất thường nào, có bị lỏng ở đầu đọc thẻ hay không?

2. Tốt nhất không rút tiền tại ATM từ thẻ tín dụng luôn, vừa mất phí cao, vừa có nguy cơ bị lộ thông tin mất tiền toàn bộ hạn mức của thẻ. Chỉ rút tiền ATM từ thẻ nội địa debit thông thường.

3. Rò rỉ thông tin thẻ

❌ Khi thanh toán bằng thẻ tín dụng trên một trang web, một màn hình giả rất giống với màn hình thanh toán sẽ hiển thị và bạn nhập thông tin thẻ của bạn vào.

Sau đó xuất hiện thông báo lỗi như “Thanh toán không thành công”, chuyển sang màn hình thanh toán thông thường và nhập lại thông tin thẻ.
Việc thanh toán bằng thẻ tín dụng được hoàn tất bình thường và sản phẩm sẽ được giao cho bạn.
Trong phương thức này, bạn thanh toán bình thường, do đó bản thân sẽ không nhận biết là đã bị rò rỉ thông tin cá nhân. Việc sử dụng trái phép sẽ chỉ được phát hiện khi bạn kiểm tra bảng sao kê sử dụng cho một khoản thanh toán mà bạn không hoàn toàn không biết.

👉 Giải pháp: 1. Khi nhập thẻ tín dụng của bạn vào một trang web, hãy đảm bảo rằng trang đó được bảo mật. Để xác định một trang web độc hại, hãy lưu ý các điểm sau:

  • URL có cảm thấy lạ không (chẳng hạn như lỗi chính tả , tương tự như URL của một công ty lớn nhưng ký tự khác,…)
  • URL có phải là “https: //” hay không (“http: //” có nguy hiểm vì nó không được mã hóa).
  • Có bất kỳ sự khác biệt nào về ký hiệu hoặc nội dung, lỗi chính tả, tiếng Việt không tự nhiên từ trang web chính thức không?

2. Không sử dụng Wi-Fi công cộng cho các giao dịch ngân hàng. Sẽ an toàn hơn nhiều nếu sử dụng các kết nối tại nhà, nơi mạng không được nhiều người sử dụng hàng ngày.

3. Thường xuyên kiểm tra xem các giao dịch được liệt kê trên bảng sao kê thẻ tín dụng và tài khoản trực tuyến. Nếu nhận thấy bất kỳ giao dịch nào đáng ngờ, hãy liên hệ với ngân hàng phát hành thẻ ngay lập tức để sớm xử lý vụ việc.

cách sử dụng thẻ tín dụng

❌ Bị ăn cắp thông tin khi thanh toán tại các cửa hàng. Khi bạn mua sắm rủi ro chính là lúc nhân viên thu ngân cố tình nhớ thông tin thẻ của bạn và sau đó sử dụng chúng để thanh toán online.
❌ Bị ăn cắp ngay cả khi cà thẻ qua máy POS: khi bạn cà thẻ cũng có thể bị hacker ăn cắp thông tin.

👉 Giải pháp: 1. Đừng để thẻ khuất tầm nhìn khi bạn đưa thẻ thanh toán cho nhân viên, hãy chú ý quan sát, dù gì có người canh vẫn an toàn hơn là lơ đễnh không để ý và bị ghi lại thông tin thẻ.

2. Không sử dụng thẻ của bạn tại các cửa hàng hoặc địa điểm nhỏ lẻ, đáng ngờ.

3. Xoá thông tin mã số bí mật CCV đằng sau thẻ (có thể dùng dao, đầu ngọn sắt, kéo,… làm mờ để không thấy số).

4. Lừa đảo

  • Gắn yêu cầu mở URL trong email khả nghi và để bạn nhập thông tin cá nhân của bạn,…
  • Gửi các email như “Vui lòng liên hệ với chúng tôi ngay lập tức” hoặc “Vui lòng thay đổi mật khẩu của bạn vì đã có đăng nhập trái phép” để lấy cắp ID, Password của bạn.
  • Gửi tin nhắn trực tiếp về việc bạn đã thắng chiến dịch trên SNS và yêu cầu nhập thông tin cá nhân,…

❌ Lừa đảo dạng này rất đa dạng và phổ biến trong những năm gần đây.

👉 Giải pháp: 1. Hãy cẩn thận không truy cập URL trên điện thoại, mail lạ và nhập thông tin của bạn trên một trang web giả mạo giống y như thật.

2. Đảm bảo rằng bạn luôn cập nhật phần mềm máy tính và điện thoại di động của mình.

5. Bị tự động tính tiền

Thật ra rủi ro này là do bản thân bạn chứ không phải do bị lừa, hack thẻ như các trường hợp trên. Nhưng có khả năng nhiều bạn không biết nên mình liệt kê thêm vào đây.

❌ Khi bạn đăng ký tài khoản, dịch vụ của nước ngoài thì thường được dùng thử 1 tháng, và bạn phải đăng nhập tài khoản ngân hàng qua thẻ quốc tế để dùng thử. Sau 1 tháng nếu bạn quên không huỷ đăng ký thì sẽ bị tự động trừ tiền như bạn đã đồng ý sử dụng dịch vụ của họ.

Ví dụ như khi bạn đăng ký tài khoản dùng thử của Canva, tài khoản học online trên Skillshare, tài khoản chạy google quảng cáo, tài khoản mua hosting,…

👉 Giải pháp: 1. Nói chung tài khoản nào mà bạn đã đăng nhập thông tin trên thẻ bao gồm: số thẻ, ngày hết hạn và mã số CCV thì đều phải nhớ quay lại huỷ đăng ký.

2. Thanh toán trên các sàn thương mại: Shopee, Lazada,Tiki… thường tự động lưu thông tin thẻ tín dụng, lần sau thanh toán là tự động trừ tiền mà không cần xác nhận SMS. Sau khi thanh toán qua thẻ để hưởng ưu đãi, tốt nhất bạn nên huỷ lưu thông tin thẻ trên các sàn này phòng trường hợp bị mất điện thoại nhé!

V. Kết luận về cách sử dụng thẻ tín dụng

Một khi bạn đã hình thành thói quen không lạm dụng thẻ tín dụng và kiểm soát chi tiêu tốt rồi, thì dù lãi suất thẻ tín dụng có cao cũng không thành vấn đề vì bạn luôn trả nợ đúng hạn. Đã không bị mất 1 đồng phí nào, lại còn được hưởng tất cả các ưu đãi của thẻ. Rất là lợi đó chứ.

Còn nếu bạn nhắm không thể quản lý chi tiêu, cảm xúc mua sắm của bản thân, và cũng hay lễnh lãng, không thể nhớ ngày thanh toán, các lưu ý khi dùng thẻ an toàn thì tốt nhất bạn cứ dùng thẻ debit có nhiêu xài nhiêu cho an toàn nè.

Trên đây là toàn bộ cách sử dụng thẻ tín dụng. Bạn tham khảo thông tin và tự đưa ra quyết định cho mình nhé!

Nếu thấy bài viết hay thì ủng hộ tớ nhé!
5 1 vote
Đánh giá bài viết

Bài liên quan

Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
error: Content is protected !!
0
Mòn mỏi chờ comment của bạn.x
()
x