Mình dùng khá nhiều tài khoản, thẻ ngân hàng: Timo, OCB, thẻ tín dụng JCB, Mastercard, các ví điện tử: Zalopay, Momo, Viettel money, các app tài chính: Findhay, Tikop, 5 email, blog, tài khoản khoá học online, chứng khoán… Ngoài ra còn các ứng dụng, các tài khoản đăng nhập trang web khác,..
Làm sao bạn có thể nhớ hết mấy cái tài khoản này được nhất là các tài khoản ngân hàng yêu cầu bảo mật thì không nên đặt giống nhau.
Mình sẽ giới thiệu cách quản lý mật khẩu an toàn và bảo mật trong bài viết này nhé!
Mục lục:
- 1. Sử dụng tính năng tự lưu mật khẩu của google chrome
- 2. Lưu thông tin tài khoản quan trọng vào file excel
- 3. Kết luận
1. Quản lý mật khẩu bằng cách sử dụng tính năng của google chrome
Nếu bạn dùng trình duyệt nào thì dùng tính năng này của trình duyệt đó (cốc cốc, firefox,…), giúp lưu mọi password trong trình duyệt, lần sau đăng nhập nó sẽ tự động điền mà không cần nhập pass, rất tiện luôn.
Ngoài ra trình duyệt còn có tính năng tự đề xuất mật khẩu mạnh, bạn cũng không cần phải tạo mật khẩu mà nhấn vào mật khẩu nó tự đề xuất là xong.
Vì thế nên cách này chỉ dùng cho các tài khoản không quan trọng, mất cũng không sao và chắc chắn không phải tài khoản ngân hàng, gmail. Ví dụ như tài khoản các trang, diễn đàn bạn tham gia, từ điển, phim, thư viện,…
Nếu muốn xem lại mật khẩu đã lưu thì bạn vào Setting trên trình duyệt > Auto-fill > Password manager. Bạn nên chụp hình lại mật khẩu đã lưu này và lưu vào 1 file excel để lỡ bị mất tài khoản email còn có thể đăng nhập lại.
Cũng tại đây bạn có thể xoá hoặc sửa password đã lưu, chẳng hạn như khi không muốn tài khoản nào đó được lưu tự động nữa thì vào đây xoá luôn.
Bạn có thể xem hướng dẫn về cách lưu pass cụ thể tại đây.
🔻 Mẹo bảo mật:
- Chỉ lưu pass trên máy tính cá nhân hoặc điện thoại cá nhân.
- Lưu trên trình duyệt liên quan đến tài khoản gmail nên bạn cần bảo mật tài khoản gmail tốt bằng cách bất xác minh 2 yếu tố trên gmail. Cho dù bạn có bị lộ pass và địa chỉ email đăng nhập thì cũng cần phải có xác minh từ số điện thoại của bạn mới đăng nhập được nên dù hơi rườm rà khi đăng nhập nhiều nơi nhưng cách này cực kỳ an toàn để bảo vệ tài khoản của bạn. Bạn xem hướng dẫn tại đây.
2. Quản lý mật khẩu bằng cách lưu thông tin quan trọng vào file excel
Mình lưu toàn bộ thông tin các tài khoản quan trọng (bao gồm cả tài khoản ngân hàng) vào 1 sheet trong file excel và đặt pass để mở được file excel lên. Để cho tiện quản lý thì mình lưu vào file Quản lý tài chính cá nhân luôn.
Cũng như cách 1, cách này cũng chỉ dùng lưu file trên máy tính cá nhân.
🔻 Mẹo bảo mật:
- Chỉ gặp rủi ro khi bị mất máy tính cá nhân. Vì file excel có thể bị phá pass mà mở ra được.
- Vì thế, file excel cần đặt tên file bình thường như các file khác để người ngoài nhìn vào không tò mò mở, bạn đừng đặt lồ lộ là “pass ngân hàng” là được. Và để file vào lưu ở thư mục dài, khó kiếm 1 tí, đừng để ngoài desktop hay document, download.
- Có thể hide sheet lưu tài khoản quan trọng lại, khi cần điền hoặc xem thông tin thì unhide sheet đó lên.
- Để tránh bị mất file chẳng hạn máy tính bị hư mất hết dữ liệu đột ngột, bạn cần lưu cả file lên google drive để lưu trữ. File có pass thì phải tải về chứ google sheet không đọc được.
3. Kết luận về các cách quản lý mật khẩu
Đây là cách làm hiện tại của mình.
Mình thấy cũng có 1 số app lưu toàn bộ mật khẩu, chỉ cần nhớ pass đăng nhập app này là được nhưng cũng chỉ dành cho các tài khoản không quan trọng. Bạn có cách nào quản lý mật khẩu hay hơn thì chỉ mình với nhé!