Nếu chỉ được đọc 1 cuốn sách, mình sẽ chọn đọc cuốn Tuổi thơ dữ dội.
Nếu được giới thiệu cho ai đó 1 cuốn sách, mình cũng sẽ chọn giới thiệu cuốn Tuổi thơ dữ dội.
Nếu đọc rồi thì hãy đọc lại.
Vì sao vậy nhỉ?
Vì đã là con dân đất Việt, mình tin rằng ai đã đọc đều sẽ thích cuốn sách này thôi.
Mục lục:
1. Nội dung Tuổi thơ dữ dội
Phải nói là chỉ đến khi đọc Tuổi thơ dữ dội, mình mới thấm được nỗi đau tàn phá của chiến tranh Việt Nam 1 cách đau lòng, chân thật nhất (kể cả suốt 12 năm học văn, hay xem tư liệu trên báo, tivi,…). Và thật may mắn khi được đọc nó – dù trễ nhưng là cuốn hay nhất trong các cuốn sách văn học Việt Nam mà mình từng đọc.
Những đứa bé 13, 14 tuổi ngây ngô, tinh nghịch, không thiếu những trò đùa tinh quái của trẻ con khiến người đọc vui đó, cười đó, lại khóc đó với tinh thần quả cảm, “cùng lắm là chết thôi”, chiến đấu hết mình với tư cách là thành viên của Vệ Quốc Đoàn. Đến người lớn trong hoàn cảnh của các em cũng chưa chắc dám làm vậy !!!
Câu chuyện của mỗi đứa trẻ đều có nét tính cách đặc biệt và hấp dẫn riêng.
Đọc để cảm thấy các em thật tài giỏi, gan dạ. Chỉ tiếc là chiến tranh quá tàn khốc, các em không thể đóng góp dài hơn cho đất nước.
Tuy tuổi trẻ chỉ dừng lại ở mười mấy xuân xanh, nhưng các chiến sĩ nhỏ tuổi ấy có những kỷ niệm, tuổi thơ vô giá mà những người lớn đọc còn thèm khát, và đây mới thật sự gọi là 1 “tuổi thơ dữ dội”.
Với giọng điệu phương ngữ Huế đặc trưng, lúc đầu thì hơi lạ, không quen nhưng khi gập cuốn sách lại thì mới thấy nó thân thuộc, lưu luyến làm sao.
Ban đầu thì hài hước, vui vẻ vì những đứa nhóc, đến đau lòng vì cái chết đột ngột của Vịnh sưa và của từng thành viên khác, hay ly kỳ, hấp dẫn không kém gì tiểu thuyết trinh thám nước ngoài với 3 lần vượt ngục của Lượm sứt. Cực kỳ khâm phục tính quả cảm, thông minh, quân tử, giỏi ngoại ngữ của Lượm luôn. Đến đoạn này lôi cuốn đến mức phải đọc 1 lèo phân đoạn vượt ngục bất chấp thời gian bên ngoài trôi qua thế nào.
Cuối cùng thì đau lòng nhất với câu chuyện của Mừng, mở màn và kết thúc cuốn sách. Còn nỗi đau nào đau đớn hơn khi bị kết tội là “Việt gian”, không 1 bạn bè, đồng đội nào tin tưởng em, cũng không thể phân trần với mẹ. Gấp cuốn sách lại với lã chã 1 bồ nước mắt. Trong đầu quanh quẩn vang lên câu hát:
“Đoàn Vệ Quốc quân một lần ra đi
Nào có mong chi đâu ngày trở về
Ra đi ra đi bảo tồn sông núi
Ra đi ra đi thà chết chớ lui…”
Tuổi thơ dữ dội – Phùng Quán xứng đáng là 1 cuốn sách hay để lưu trữ lại, đọc lại và cho thế hệ thanh niên trẻ hiện nay, cho con cháu đọc. Để biết rằng cuộc sống bây giờ quá sung sướng, và mình thật may mắn biết bao khi được sinh ra ở 1 thời đại hòa bình, trên 1 đất nước hòa bình. Và rất yêu Việt Nam.
2. Trích đoạn hay trong Tuổi Thơ Dữ Dội
Với nhiều người, “cả một đời”, có nghĩa là bốn mươi, năm mươi, sáu mươi, bảy mươi, thậm chí trăm tuổi. Nhưng với Bồng “cả một đời” chỉ có mười sáu tuổi. Bồng đã hy sinh lẫm liệt cho Tổ quốc lúc vừa tròn mười sáu tuổi. Nhưng đó là một câu chuyện khác, và sẽ được kể lại trong 1 cuốn sách khác.
Đời cách mạng từ khi tôi đã hiểu
Dấn thân vô là phải chịu tù đày…
Là gươm kề tận cổ, súng kề vai…
Dọn sạch những nhơ nhớp đầu độc cuộc sống đồng loại là một trong những chiến công lớn lao nhất của con người.
Điều gì đã giúp cho một dân tộc nhỏ bé như Việt Nam trở nên gan góc, mạnh mẽ để đánh bại hai đế quốc sừng sỏ? Câu hỏi đó, đã được trả lời 1 phần nào đó qua tác phẩm “Tuổi thơ dữ dội” của nhà văn Phùng Quán.
Hà Nguyễn Thanh trên Tiki
“Trừ giặc, ba tuổi vẫn còn hiềm là muộn”
Cao Bá Quát
Tuổi thơ dữ dội là một khúc ca hào hùng của đội thiếu niên trinh sát, những chiến sĩ vệ quốc quân mới 12, 13 tuổi đầu. Từ những đứa con nhà nghèo không chịu sống cảnh lầm than, sống kiếp nô lệ như Lượm, em Mừng hay những em vượt qua sự cám dỗ của tiền bạc, của sự sung sướng như Quỳnh “sơn ca”.
Cuộc chiến đấu vẻ vang của Lượm với 3 lần vượt ngục, chịu biết bao đòn roi tra tấn của kẻ thù nhưng vẫn không khuất phục với ý chí của bài thơ “đời cách mạng từ khi tôi đã hiểu- dấn thân vô là phải chịu tù đày- là gươm kề cận cổ súng kề vai- là thân sống nhưng chỉ còn một nửa”, đó là sự xúc động và cảm phục trước em Mừng khi còn hơi thở cuối cùng vẫn nói “đừng gọi em là Việt gian nhé”, và của những em thiếu niên trinh sát đã nằm lại chiến trường Bình-Trị-Thiên trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, là những bông hoa rực rỡ của vườn hoa chiến công, là những viên đạn làm nên chiến thắng cuối cùng.
Thật tiếc, tại sao đến bây giờ mới đọc tác phẩm này?
3. Tác giả – Phùng Quán
Đôi nét về Phùng Quán trích trong “Tác phẩm văn học được giải thưởng nhà nước Phùng Quán”:
Phùng Quán là hội viên Hội nhà văn Việt Nam từ năm 1956. Bố ông từng tham gia biểu tình chống Pháp rồi bị bắt giam tra khảo cho đến chết. Lúc ấy Phùng Quán mới biết bò. Mẹ ông mới lấy chồng được 1 năm thì chồng bị Pháp giết, bà ở vậy nuôi con rồi mất.
Phùng Quán vào Vệ quốc đoàn năm 1946 ở đơn vị trinh sát thuộc Trung đoàn 101 Trần Cao Vân, sau đó gia nhập trường Thiếu sinh quân Liên khu IV, đoàn Văn công Liên khu IV. Năm 1954 về công tác ở cơ quan Văn nghệ Quân đội thuộc Tổng cục Chính trị ( Tạp chí Văn nghệ Quân đội sau này).
Từng bị kỷ luật, lao động cải tạo tại các nông trường ở Thái Bình, Thanh Hóa, Việt Trì,… Năm 1964 ông được chuyển về công tác tại Phòng Tuyên truyền ( Bộ Thủy lợi ), Vụ Văn hóa quần chúng ( Bộ Văn hóa ), Nhà văn hóa Trung ương.
4. Ba phút sự thật, Nhớ Phùng Quán
Đọc Tuổi thơ dữ dội đã hay, đã cuốn rồi, mà đọc các cuốn sách kể về cuộc đời của tác giả (Ba phút sự thật, Nhớ Phùng Quán) thì càng đau lòng, càng bi đát, càng ngưỡng mộ hơn.
Chính nhân cách cao đẹp ấy làm cho người đọc càng kính trọng Phùng Quán, kính trọng các nhân vật trong Tuổi Thơ Dữ Dội. Phải chăng, cái kết của Mừng là tiếng lòng mong muốn giải oan của chính tác giả, là kết cục cả 1 đời người đau đớn mà không oán trách, của 1 con người đấu tranh cho sự thật.
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu…
Đọc để hiểu rõ hơn về cuộc đời tác giả, để nhận ra những nhân vật trong Tuổi thơ dữ dội là có thật, chứ trước đó mình cứ đinh ninh là “tiểu thuyết” và để cảm nhận sự đau đớn, rất đau, rất buồn qua câu chuyện của bạn bè, người thân và của chính tác giả.
Đó là câu chuyện có thật và còn bi trầm hơn cả tiểu thuyết và phim ảnh thật.
Phải nói là không thể tưởng tượng được cuộc sống của họ – những người nổi tiếng – lại đau lòng đến thế, lại đẹp đến thế. Nếu Tuổi thơ dữ dội chỉ đau lòng khi gấp sách lại thì ba phút sự thật lại đau từ đầu đến cuối trang. Nhưng cũng may là cũng có vài yếu tố hài hước. Và tất nhiên vẫn rất cuốn hút, mình dành cả ngày chủ nhật để đọc hết cuốn sách và cảm xúc mang lại giống như lúc mình đọc Tuổi thơ dữ dội. Ai muốn tìm lại cảm xúc này thì đọc luôn đi bạn hiền ơi.
Cuối cùng rất ngưỡng mộ nhân cách và phẩm hạnh, tài năng của Bác Phùng. Cuộc đời của Bác thật phong phú và bi thương nhưng chắc chắn không còn gì hối tiếc vì lẽ sống ấy.
Đối với mình thì giờ đây Tuổi thơ dữ dội và Ba phút sự thật, Nhớ Phùng Quán là combo sách yêu thích nhất rồi. Nhờ nó mà mình cảm thấy yêu thích vô cùng lịch sử VN, văn thơ VN thời kì kháng chiến.
Ngoài ra còn có tiểu thuyết Vượt côn Đảo, trường ca Tiếng hát trên địa ngục Côn Đảo về chị Võ Thị Sáu cũng rất hay. Mình sẽ tìm đọc thêm cuốn Phùng Quán còn đây.
Thơ văn của Bác hay lắm ạ:
Tôi viết với niềm tin không gì lay chuyển nổi. Tôi không hề minh họa. Tôi kể lại sự thật. Có những sự thật lớn lao của một thời, đến nỗi hậu thế nhìn qua lớp sương mù của thời gian, không thể nào tin nổi!
Nếu cần đi trở lại
Ta lại đi đường này
Để cuối cùng lại chấm hết ở đây.
Một người đấu tranh một giờ là một người tốt
Một người đấu tranh nhiều ngày là một người tốt hơn
Một người đấu tranh nhiều năm là một người tốt hơn nữa
Một người đấu tranh suốt đời thì rất hiếm…
Ai chiến thắng mà không hề chiến bại
Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần?
Nếu tôi chết
Xin các đồng chí đừng đưa tôi đi đâu hết cả
Hãy chôn tôi nơi chính tôi đã ngã !
Nếu phần mộ tôi là vị trí tốt để đánh mìn
Xin các đồng chí đừng do dự gì hết cả
Hãy đào mộ tôi lên
Quẳng xác tôi đi !
Và thay vào đó cho tôi một trăm cân thuốc nổ !
Em ơi rất có thể
Anh chết giữa chiến trường
Đôi môi tươi đạn xé
Chưa bao giờ được hôn!Nhưng dù chết em ơi
Yêu em anh không thể
Hôn em bằng đôi môi
Của một người nô lệ!
5. Kết Luận về sách Tuổi thơ dữ dội
Chỉ gói gọn trong cuốn tiểu thuyết dài hơn 800 trang, và cũng đã được chuyển thể thành phim, chỉ cần đọc 1 cuốn sách “Tuổi thơ dữ dội” – mình tin cuốn sách sẽ dạy cho người đọc rất nhiều thứ, để lại rất nhiều cảm xúc mà không 1 cuốn sách nào đặc biệt được đến như vậy.
Tuổi thơ dữ dội dạy cho ta lòng yêu nước, mà không thể dùng bất cứ 1 từ ngữ xa hoa nào để diễn tả được.
Tuổi thơ dữ dội dạy cho ta tình đoàn kết dân tộc, tình bạn, tình đồng chí giữa 1 thời mưa bom, bão đạn.
Tuổi thơ dữ dội dạy cho ta 1 nhân cách quật cường, 1 trái tim trong sáng, 1 tinh thần ham học hỏi đến từ nhân vật Lượm.
Tuổi thơ dữ dội cho ta biết đến tình mẫu tử thiêng liêng và cao đẹp của mẹ con Mừng.
…
Chỉ mong rằng mọi người trên đất nước Việt Nam này, đặc biệt là các thế hệ thanh niên trẻ, hãy một lần đọc qua nó.
Đừng bao giờ quên đi quá khứ hào hùng của dân tộc!
Bạn sẽ cảm thấy cuộc đời mình đã quá may mắn khi được sinh ra trong thời bình.
Bản bìa cứng: 215.000 VNĐ
Bản bìa mềm: 130.000 VNĐ